Hoàng đế Đại Việt Trần_Thái_Tông

Sau khi lên ngôi, ông cử Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ (国尚父) nắm toàn quyền chấp chính. Trần Thủ Độ đang bận đánh dẹp ở bên ngoài, lại tự nghĩ rằng mình vốn mù chữ, nên thuyết phục tân hoàng đế mời cha là Trần Thừa ra làm nhiếp chính.[1][16] Đề xuất này được triều đình đồng ý, và vào tháng 10 âm lịch năm 1226 Thái Tông tôn Trần Thừa làm Thái thượng hoàng.[17] Còn Trần Thủ Độ được giữ chức Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sư.[18]

Dưới triều đại của mình, Trần Thái Tông đã sử dụng các niên hiệu Kiến Trung (建中 tháng 2 âl năm 1225 – tháng 7 âl năm 1237), Thiên Ứng Chính Bình (天應政平 tháng 7 âl năm 1232 – tháng 2 âl năm 1251) và Nguyên Phong (元豐 tháng 2 âl năm 1251 – tháng 2 âl 1258).[19][20]

Chính sách trị nước

Trong 9 năm đầu thời vua Thái Tông, Thượng hoàng Trần Thừa nắm quyền cai quản chính sự. Sau khi thượng hoàng mất (1234), Trần Thủ Độ được phong chức Thống quốc Thái sư, trở thành người có ảnh hưởng lớn nhất đến các chính sách của hoàng đế.[21][22] Từ năm 1226 đến 1258, với sự giúp đỡ của thượng hoàng, Thái sư và các đại thần, Trần Thái Tông đã ban hành nhiều biện pháp về kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa và luật pháp để củng cố nền cai trị của triều Trần.

Quan chế

Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Trần Thái Tông đã định lại quan chế Đại Việt. Từ đây có hệ thống quan lại gồm các văn võ đại thần (Tam thái, Tam thiếu, Thái úy, Tư mã, Tư đồ, Tư không), Tể tướng (được thêm danh hiệu là Tả hữu Tướng quốc Bình chương quân quốc trọng sự), thứ tướng (được thêm danh hiệu là Tham tri chính sự, Nhập nội hành khiển, hoặc Tả phù hữu bật), các chức quan văn trong triều (Thượng thư các bộ, Tả hữu tham tri, Tả hữu gián nghị, Trung thư thị lang, Thị lang các bộ, Tả hữu ty lang trung, Viên ngoại lang, Ngự sử đại phu, Ngự sử trung tướng,...), quan võ trong triều (Phiêu kỵ thượng tướng quân, Cấm vệ thượng tướng quân, Kim ngô đại tướng quân, Võ vệ đại tướng quân, Phó đô tướng quân,...), quan văn địa phương (An phủ sứ, Tri phủ, Thông phán, Thiêm phán,...), quan võ địa phương (Kinh lược sứ, Phòng ngự sứ, Thủ ngự sứ, Quan sát sứ, Đô hộ, Đô thống, Tổng quản,...).[23][24] Vua Thái Tông còn đặt lệ: cứ 15 năm thì xét duyệt quan lại 1 lần, cứ 10 năm thì thăng lên 1 tướng cho các quan, và cứ 15 năm thì thăng lên 1 chức. Cơ quan nào bị thiếu chức phó, thì người giữ chức chánh sẽ kiêm nhiệm chức phó; còn nếu thiếu cả chánh lẫn phó thì cử quan khác làm tạm một thời gian, đến kỳ xét duyệt mới chính thức cho làm chức đó.[25]

Mùa xuân năm 1250, Trần Thái Tông cho đổi Đô vệ phủ (cơ quan coi việc kiện tụng của nhà nước) làm Tam ty viện (tức ba viện Phụng tuyên, Thanh túc, Hiến chính), cử Ngự sử trung tướng Lê Phụ Trần trông coi Tam ty viện.[26]

Cũng từ triều Trần Thái Tông, Nhà Trần có truyền thống chọn người tôn thất làm Tả hữu Tướng quốc Bình chương quân quốc trọng sự, người ngoài hoàng tộc dù có giỏi đến mấy vẫn không được giữ chức đấy.[27] Trong thời kỳ này, vua và bầy tôi giữ quan hệ rất gần gũi, thân mật, ít đặt nặng lễ nghi. Khi có yến tiệc, các quan uống cho say xong rồi đứng lên nắm tay nhau cùng hát. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã bình luận: "Xem thế đủ thấy, tuy bấy giờ vua tôi cùng vui, không gò bó vào lễ pháp, cũng là điều giản dị, chất phát của phong tục, nhưng không còn chừng mực gì nữa. Hữu Tử nói: "Biết được hòa đồng rồi hòa đồng, nhưng không lấy lễ mà tiết chế, thì cũng không thể làm được"... kỷ cương của triều đình để đâu?".[26][28]

Trước đây, triều Lý không có quy chế rõ ràng về việc cấp bổng lộc cho quan lại, chỉ có quan giữ hình ngục là được trả lương hàng năm. Đến năm 1236 Hoàng đế Trần Thái Tông đặt lệ cấp lương bổng cho bá quan văn võ trong triều, ngoài địa phương và các quan coi cung thất, lăng tẩm. Năm 1244 ông lại đặt thêm chế độ lương bổng cho các quan túc vệ. Sĩ phu đời Nguyễn, Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí có bình luận: "Chính sự Nhà Trần làm việc này là rất phải, thực rất đáng khen".[29]

Tháng 5 âl năm 1254, vua Thái Tông ban bố quy định về kiểu áo mũ, xe kiệu và số người hầu của vương hầu, văn quan, võ tướng: "Từ tông thất cho đến quan ngũ phẩm đều được đi kiệu, ngựa và võng. Tôn thất thì kiệu đầu đòn chạm phượng sơn son, tướng quốc thì kiệu đầu đòn chạm vẹt sơn đen, lọng tía; từ tam phẩm trở lên thì kiệu đầu đòn chạm mây, lọng xanh; từ tứ phẩm đến lục phẩm thì kiệu đầu đòn bằng dầu; ngũ phẩm trở lên thì lọng xanh; lục thất phẩm thì lọng giấy đen. Người theo hầu nhiều thì 1.000 người, ít thì 100 người".[30]

Hành chính, luật pháp

Tháng 8 âm lịch năm 1228, Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông cho kiểm tra dân đinh tại Thanh Hóa.[31] Hai ông duy trì chính sách của triều Lý, sai các quan địa phương lập sổ trường tịch để thống kê số lượng trai tráng, người già, người bệnh tật, người đi phiêu bạt, người đến định cư, người đã làm quan văn, quan võ, binh sĩ, thư lại ở mỗi làng.[32][33] Trong sổ trường tịch, bình dân được chia thành các thể loại như tiểu hoàng nam (nam giới 18-20 tuổi), đại hoàng nam (nam giới trên 20 tuổi), lão (người già 60 tuổi), long lão (người hơn 60 tuổi).[34] Chính sách này giúp triều đình nắm bắt dân số, tiện cho việc quản lý nhân khẩu, thuế má, tuyển mộ lính tráng và động viên cả nước chống ngoại xâm.[33]

Tháng 2 âm lịch năm 1242, Trần Thái Tông chia Đại Việt làm 12 lộ; mỗi lộ gồm nhiều xã hợp thành. Triều đình đặt ra 2 chức quan văn là An phủ chánh, phó sứ để trấn thủ các lộ. Dưới An phủ sứ có các chức đại tư xã (mang hàm từ ngũ phẩm trở lên), tiểu tư xã (hàm từ lục phẩm trở xuống) cai quản 3-4 xã; mỗi xã do quan xã chánh và xã giám quản lý.[34][33]

Đối với kinh đô, năm 1231, Trần Thái Tông chia Thăng Long làm 61 phường. Ông còn lập Ty Bình bạc làm cơ quan quản lý hành chính của kinh sư. Đồng thời, Thái Tông tu sửa vòng thành ngoài cùng của Thăng Long (thành Đại La) và giao việc canh gác 4 cửa thành cho quân Tứ sương. Bên trong Hoàng thành nhà vua xây thêm nhiều cung điện mới ở hướng đông và hướng tây, tiêu biểu là cung Thánh Từ (nơi ở của thượng hoàng) và cung Quan triều (nơi ở của hoàng đế).[35][36]

Tháng 3 âm lịch năm 1230, vua Thái Tông sai nghiên cứu luật pháp thời Lý, rồi soạn ra bộ luật Quốc triều thông chế gồm 20 quyển.[35] Ngày nay sách này đã bị thất truyền.[37] Tuy nhiên, theo ghi nhận trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, luật Nhà Trần quy định các tội phạm trộm, cướp phải xăm lên trán 2 chữ "phạm đạo" và bồi thường cho nạn nhân; người nào tái phạm sẽ bị cắt tay, cắt chân hoặc cho voi giày.[38] Người đào ngũ khỏi quân đội cũng bị chặt ngón chân hoặc cho voi đạp chết.[39] Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng chép việc nhà vua đề xuất hình phạt đối với người bị tội khổ sai, theo đó phạm nhân tội nhẹ hàng năm phải cày 3 mẫu ruộng công tại xã Nhật Cảo (nay thuộc Thái Bình) và dâng 300 thăng thóc; còn phạm nhân tội nhẹ phải đi nhổ cỏ tại Phượng Thành (Thăng Long) dưới sự giám sát của quân Tứ sương.[35][40]

Văn hóa – giáo dục

Năm 1227, Hoàng đế Thái Tông khôi phục lệ hội thề đền Đồng Cổ (nay thuộc làng Yên Thái, Hà Nội) từ thời Lý. Theo đó ngày 4 tháng 4 âm lịch mỗi năm, Tể tướng cùng bá quan phải tập trung trước đền thần Đồng Cổ để tuyên thệ rằng: "Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết". Những viên quan không dự phải đóng phạt 5 quan tiền.[31]

Khu di tích đền Trần (Thái Bình).

Trần Thái Tông còn là một cư sĩ mộ đạo của Phật giáo.[41] Năm 1231, ông và thượng hoàng hạ chiếu cho dựng tượng thờ Phật ở các quán trạm trong nước.[42] Sử quan đời Lê-TrịnhNgô Thì Sĩ trong sách Việt sử tiêu án đã lý giải nguồn gốc của việc này rằng: "Tục nước ta: vì nắng bức, nên lập ra nhiều đình quán ở dọc đường cho hành khách nghỉ ngơi, tránh nắng. Khi Vua còn hàn vi, thường vào nghỉ ở một cái đình, có thày tăng bảo rằng: "Cậu bé này ngày sau phải đại quý", nói rồi, không biết thày tăng ấy đi đâu mất, cho nên đến khi bấy giờ phàm chỗ nào có quán trạm đều tô vẽ tượng Phật".[40]

Tháng 4 âm lịch năm 1248, Trần Thái Tông cho xây cầu Lâm Ba ở chùa Chân Giáo, chạy qua hồ Ngoạn Thiềm, tới quán Thái Thanh và cung Cảnh Linh (Thăng Long), sử Nhà Lê mô tả là "cực kỳ tráng lệ". Nhà vua cũng sai tu sửa chùa Diên Hựu vào năm 1249.[43]

Đối với đạo Lão, Đại Việt Sử ký Toàn thư kể nhà vua từng nhờ đạo sĩ cung Thái Thanh là Thậm cầu tự cho mình, kết quả ứng nghiệm, hậu cung có thai sinh ra hoàng tử thứ 6 – Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.[44]

Hoàng đế Trần Thái Tông cũng có nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của nền giáo dục Nho giáo. Từ năm 1232 đến 1239, ông đã tổ chức các khoa thi Thái học sinh (lần đầu vào tháng 2 âm lịch năm 1232; lần hai vào tháng 2 âm lịch năm 1239) để tuyển nho sĩ giỏi ra giúp nước. Những người thi đỗ được phân theo 3 hạng trong tam giáp (đệ nhất giáp, đệ nhị giáp và đệ tam giáp); chẳng hạn, kỳ thi năm 1232 có Trương Hanh và Lưu Diễm đỗ đầu, trúng đệ nhất giáp; Đặng Diễn và Trịnh Phẫu trúng đệ nhị giáp; Trần Chu Phổ trúng đệ tam giáp.[34][45]

Tháng 8 âm lịch năm 1236, Thái Tông cho các nho sinh thi đỗ vào hầu vua, việc này sau trở thành lệ. Tháng 10 âm lịch cùng năm, ông lập Quốc tử viện làm nơi học của con em các văn thần, tụng thần; lấy Phạm Ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc tử viện.[42][46]

Năm 1247, Thái Tông đặt lệ thi lấy Tam khôi gồm 3 người đỗ đầu là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa (trên thái học sinh) và quy định cứ 7 năm mở 1 khoa thi. Tháng 2 âm lịch năm 1247, nhà vua mở khoa thi Tam khôi đầu tiên, lấy được Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Bảng nhãn Lê Văn Hưu, Thám hoa Đặng Ma La cùng 48 Thái học sinh (trong đó, Lê Văn Hưu chính là người đã soạn bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam – Đại Việt sử ký và dâng lên Thượng hoàng Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông năm 1272).[34][47] Mùa xuân năm 1256, Thái Tông mở khoa thi Tam khôi thứ hai, đồng thời đặt lệ lấy 2 trạng nguyên: 1 kinh trạng nguyên dành cho các lộ phía bắc và 1 trại trạng nguyên dành cho Thanh HóaNghệ An để khuyến khích việc học ở phương nam. Khoa này chấm đỗ 47 người.[44]

Bên cạnh việc tiến hành các khoa thi Nho học, Trần Thái Tông cũng tổ chức thi Tam giáo vào tháng 8 âm lịch năm 1247 để chọn người am hiểu 3 đạo Phật, Nho và Lão làm quan.[48][49] Ngô Thì Sĩ đã nhận xét về nền khoa cử thời vua Thái Tông rằng: "điều lệ khoa thi ngày thêm đầy đủ, ân điển ngày một long trọng, ở đó mới sản xuất lắm nhân tài, so với triều Lý thịnh hơn nhiều".[50]

Tháng 6 âm lịch năm 1253, Trần Thái Tông sai dựng Quốc học viện, tại đây có tượng thờ Chu Công Đán, Khổng Tử, Mạnh Tử và tranh thờ Thất thập nhị hiền (72 môn sinh của Khổng Tử). Tháng 9 âm lịch năm này, ông triệu tập sĩ phu trong nước về Quốc tử viện giảng Ngũ kinh, Tứ thư.[30][23]

Kinh tế

Để cải thiện nền kinh tế Đại Việt vốn đã suy thoái từ cuối thời Lý, vua Thái Tông ban hành một loại thuế mới (thuế thân), được đánh dựa trên diện tích ruộng của mỗi người dân.[51][52] Mức thuế thân được quy định là 1 quan tiền đối với người có 1-2 mẫu ruộng (tức khoảng từ 3600 đến 7200 m2), 2 quan đối với người có 3-4 mẫu, và 3 quan đối với người có ít nhất 5 mẫu. Triều đình còn thu thuế ruộng ở các mức độ khác nhau tùy theo phân loại ruộng (ruộng tư nhân; ruộng công - gồm ruộng quốc khố và ruộng thác điền). Thuế các loại ruộng thường được tính bằng thóc, chẳng hạn mức thuế ruộng tư nhân là 100 thăng thóc trên một mẫu.[23] Ngoài ra, sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (sử quan thời Tự Đức soạn) còn viện dẫn An Nam tức sự (tập thơ của sứ giả Nhà Nguyên Trần Phu mô tả chuyến đi Đại Việt năm 1293) cho biết triều Trần áp thuế với trầu cau, dầu thơm và mọi mặt hàng rau quả, thủy sản.[51]

Cuối năm 1226, triều đình Thái Tông quy định "cho dân gian dùng tiễn "tỉnh bách" mỗi tiễn là 69 đồng. Tiền nộp cho nhà nước (tiễn "thượng cung") thì mỗi tiễn là 70 đồng" (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư).[53] Đây được xem là lần đầu tiên sử sách Việt Nam ghi lại quan hệ giữa các đơn vị tiền tệ.[54]

Nhà vua và Trần Thủ Độ rất chú trọng đến thủy lợi-nông nghiệp. Mùa xuân năm 1231, ông sai hoạn quan Nguyễn Bang Cốc đôn đốc quân bản phủ đào kênh Trầm, kênh Hào từ Thanh Hóa tới Diễn Châu. Bang Cốc đã hoàn tất công việc và được Thái Tông phong tước Phụ Quốc thượng hầu.[55] Năm 1248, Thái Tông sai đào sông Mã, sông Lễ và đục núi Chiếu Bạch ở Thanh Hóa, tạo thành một con kênh chạy dài theo hướng bắc nam, dài hơn 8 km từ sông Hoạt (chỗ sát Cầu Cừ) đến sông Lèn (làng Bình Lâm) nhằm tiêu nước từ Tống Giang (Hà Trung, Thanh Hóa). Đến năm 1256, nhà vua sai vét sông Tô Lịch để hỗ trợ giao thông, đồng thời tạo nguồn tưới tiêu cho các địa phương quanh kinh thành.[56]

Công tác đê điều đã đạt được bước phát triển mới trong thời Trần Thái Tông. Trước đây Nhà Lý đã quan tâm đắp đê nhưng chưa có quy hoạch quy mô, nên nhiều lần nước vẫn tràn vào kinh thành. Năm 1238 và 1243, nước lại tràn vào cung điện. Tháng 3 âm lịch năm 1248, Thái Tông truyền cho các lộ đắp đê suốt từ đầu nguồn ra tới bờ biển để chống nước lũ dâng tràn, gọi là đê đỉnh nhĩ (quai vạc). Ông lập ra cơ quan Hà đê, có chánh sứ, phó sứ phụ trách đê điều trong cả nước.[49] Nếu có đoạn đê lấn vào ruộng tư nhân, triều đình sẽ đền tiền cho chủ ruộng.[57]

Mỗi khi trong nước có hạn hán, triều đình thường ban hành luật miễn thuế khóa, mở lương thóc rồi đại xá. Các chính sách kinh tế-xã hội của Thượng hoàng Trần Thừa, Thái sư Trần Thủ Độ và Hoàng đế Trần Thái Tông đã khiến quốc lực mau chóng khôi phục, Đại Việt lại trở nên phồn thịnh và thái bình. Đại Việt Sử ký Toàn thư có mô tả tình hình Đại Việt thời Trần Thái Tông là "quốc gia vô sự, nhân dân yên vui".[34][58][59]

Đánh dẹp ở phía bắc và Chiêm Thành

Trần Thái Tông rất chú trọng việc xây dựng quân đội thiện chiến, gồm cấm quân và quân các lộ.[60] Năm 1239 ông ra lệnh tuyển đinh tráng trong nước làm lính; chia làm 3 bậc thượng, trung, hạ. Tháng 2 âm lịch năm 1241, ông tìm người khỏe mạnh và thạo võ nghệ cho gia nhập Cấm quân, gọi là quân thượng đô túc vệ. Sau đó, mùa xuân năm 1246 Thái Tông lập ra 3 vệ cấm quân, tên là Tứ thiên, Tứ thần, Tứ thánh. Đối với quân các lộ, nhà vua quy định: đinh tráng của hai lộ Long Hưng, Thiên Trường thì gia nhập quân Thiên thuộc, Thiên cương, Cương thánh, Cung thần; đinh tráng lộ Hồng, lộ Khoái thì gia nhập quân Tả Hữu Thánh Dực; đinh tráng hai lộ Trường Yên, Kiến Xương thì gia nhập quân Thánh Dực, Thần sách. Đinh tráng các lộ còn lại được cho vào quân Cấm vệ hoặc các đoàn đội trạo nhi (lính chèo thuyền).[34][2][61]

Tháng 8 âm lịch năm 1253, Thái Tông thành lập Giảng Võ đường để huấn luyện cho quan võ.[62][63] Sĩ phu đời Lê Ngô Thì Sĩ đã khen ngợi chính sách xem trọng văn, võ của vua sáng lập triều Trần:[2]

Vua [Thái Tông] lập ra nhà học, tôn chuộng nghề văn, dựng lên ngôi nhà, giảng tập việc võ, cả văn và võ có vẻ rực rỡ lắm, cho nên có các ông Hán Siêu, Trung Ngạn, Nhật Duật, Ngũ Lão nối nhau xuất hiện, Văn Trinh và Hưng Đạo là bậc danh nho, danh tướng lừng lẫy thời bấy giờ, là kết quả của sự tôn chuộng văn võ đó.

— Việt sử tiêu án

Dưới thời Thái Tông, một số cuộc xung đột đã xảy ra trên biên giới phía Bắc và Nam của Đại Việt. Ở phía Bắc, Nam Tống đang chịu sức ép tấn công từ đế quốc Mông Cổ. Do vậy, quan lại của Tống kiểm soát biên giới phía Nam rất lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các toán cướp người Mán liên tục hoành hành. Điều này đã làm cản trở cho việc đi lại giữa Đại Việt với Tống.[64] Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục còn cho biết: "Sứ bộ Nhà Trần phái sang bên Tống, được đi độ bốn người, chỉ được đem giấy tờ đi theo, còn lễ cống thì niêm phong lại đưa đến biên giới, do quan địa phương chuyển đệ về triều, nhưng cũng không lần nào đệ về được đầy đủ."[65]

Tháng 10 âm lịch năm 1240, dân Thổ Mán từ nước Tống kéo sang Đại Việt, cướp phá Lạng Giang. Thái Tông cử thị thần Bùi Khâm lên biên giới giải quyết tình hình.[66]

Mùa đông năm 1241, người dân tộc nước Tống lại quấy phá biên giới Đại Việt. Thái Tông sai đốc tướng Phạm Kính Ân mang quân dẹp loạn, phá được quân Thổ, Mán.[66]

Cuối năm 1241, Trần Thái Tông thân chinh đánh vào đất Tống, hòng truy diệt các toán cướp Thổ Mán và nối lại đường giao thông giữa Đại Việt với Tống. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đã thuật lại cuộc hành quân này rằng:[34]

"Vua thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về."

Sau khi về nước, tháng 4 âm lịch năm 1242, vua Thái Tông lại sai Thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình đưa quân lên đóng tại biên ải Việt-Tống. Trần Khuê Kính thúc quân đánh chiếm lộ Bằng Tường (Trung Quốc), từ đây các tuyến giao thông giữa Đại Việt với Tống hoàn toàn được khôi phục.[65]

Ở phía Nam, kể từ cuối thời Lý, Chiêm Thành thường xua quân cướp phá vùng ven biển của Đại Việt. Sau khi Nhà Trần thành lập, vua Thái Tông đã sai sứ sang thông hiếu với Chiêm. Người Chiêm một mặt dâng triều cống, mặt khác cho quân đánh phá Đại Việt và đòi vua Trần trả lại lãnh thổ bị mất năm 1069.[30][60] Tháng 1 âm lịch năm 1252, Thái Tông cử em là Trần Nhật Hiệu làm Lưu thủ kinh sư, rồi thân chinh đánh Chiêm Thành. Quân Đại Việt thắng trận, bắt được vương hậu Bố Da La cùng nhiều thê thiếp, quân dân của vua Chiêm. Cuối năm 1252, vua Thái Tông đem quân về nước, phong Nhật Hiệu làm Thái úy.[67][30] Thất bại này khiến Chiêm Thành phải chính thức thần phục Nhà Trần; sử Việt và thư từ ngoại giao giữa vua Trần với vua Mông Cổ đều xác định từ năm 1252 đến năm 1285, Chiêm Thành đã nhiều lần sai sứ sang triều cống (thậm chí vào năm 1279, nhiều sứ thần Chiêm còn xin ở lại làm quan cho vua Trần) và không gây một cuộc chiến nào với Đại Việt.[68][69][70][71][72]

Phế lập Hoàng hậu

Mùa xuân năm 1226, sau khi được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, Trần Thái Tông đã phong Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh Hoàng hậu.[7] Chiêu Thánh có thai sinh ra một hoàng tử cho Thái Tông, đặt tên là Trịnh (鄭). Bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư gọi Trịnh là Hoàng thái tử, nhưng khi viết về việc Trịnh mất năm 1233, thì phỏng đoán là Trịnh đã chết ngay khi sinh.[21] Thái sư Trần Thủ Độ cùng vợ là Thiên Cực công chúa bèn tính chuyện lập một người khác làm hoàng hậu, để đảm bảo có con nối dõi cho Thái Tông.

Khoảng năm 1236-1237, thấy Thuận Thiên công chúa (chị của Chiêu Thánh và cũng là vợ Hoài vương Trần Liễu - anh Thái Tông) đang mang thai Trần Quốc Khang 3 tháng, Trần Thủ Độ ép nhà vua phế Chiêu Thánh xuống làm công chúa, rồi lấy Thuận Thiên làm hoàng hậu mới. Trần Liễu không chịu mất vợ, bèn tập hợp binh lực nổi dậy trên sông Cái.[73] Điều này làm cho Thái Tông khó xử, và vào một đêm ông bí mật rời Thăng Long lên núi Yên Tử, xin tu theo thiền sư Đạo Viên. Khi thiền sư hỏi ông có nhu cầu gì mà lên núi, nhà vua bày tỏ: "Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thạnh suy không thường, cho nên Trẫm đến núi này chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác". Sư Đạo Viên trả lời:[74]

"Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài."

Sau đó, Trần Thủ Độ đưa các quan lên núi Yên Tử năn nỉ Thái Tông trở lại kinh đô. Sư Đạo Viên cũng khuyên rằng:[41][74]

"Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng."

Nghe lời sư Đạo Viên và Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông cùng bách quan trở về kinh đô, tiếp tục trị nước. Hai tuần sau, Trần Liễu nhận thấy quân mình yếu thế và không thể chống lại triều đình. Trần Liễu chờ lúc Thái Tông đi thuyền qua sông Cái, rồi Liễu cải trang làm người đánh cá, đi thuyền độc mộc đến chỗ thuyền ngự để đầu hàng. Trần Thủ Độ rút gương toan chém Trần Liễu, nhưng Thái Tông lấy thân mình bảo vệ cho Trần Liễu, rồi khuyên Trần Thủ Độ thu quân. Nhà vua còn cấp cho Trần Liễu đất thái ấp ở Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên HưngYên Bang (nay thuộc Quảng Ninh), ngoài ra tặng Liễu tước Yên Sinh vương (安生王). Các sử gia như Ngô Sĩ LiênPhan Phu Tiên đã chỉ trích Thái Tông là "cướp vợ của anh" và quy cho ông là đặt tiền đề cho các hành vi trái "tam cương ngũ thường" của vua tôi triều Trần:[14][75]

Thái Tông mạo nhận con của anh làm con của mình. Sau này Dụ TôngHiến Từ đều cho Nhật Lễ làm con của Cung Túc Vương, đến nỗi cơ nghiệp Nhà Trần suýt nữa bị sụp đỗ, há chẳng phải là không có ngọn nguồn của nó sau?

— Ngô Sĩ Liên

Tuy nhiên, nhóm sử thần Đại Nam biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục có lời biện hộ cho Trần Thái Tông trước các phê bình của sử thần triều trước:[75]

Phong hóa Nhà Trần không nghiêm chỉnh, lại tệ hơn phong hóa Nhà Đường ở Trung Quốc. Nhưng bấy giờ Thái Tông hãy còn thơ ấu, mà Thủ Độ là người rất ngoan cố, phàm việc gì cũng do hắn chỉ sử, Thái Tông không theo cũng không được. Thế mà sử thần cứ chỉ trích riêng Thái Tông, như thế chưa phải là lời phê công bằng. Vả lại, lúc mới khai quốc, vua còn thơ ấu, lòng người còn nghi ngờ, Thủ Độ lại vốn là người không biết chữ, thế mà một mình kinh doanh, dựng lên được nghiệp lớn, thì thực là cương quyết, hiểm giảo, xưa nay ít có mấy người.

— Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục

Tháng 2 âm lịch năm 1237, Trần Thái Tông dựng điện Linh Quang (hay điện Phong Thủy) ở bến Đông Bộ Đầu, bờ nam sông Hồng, đoạn từ dốc Hàng Than tới cầu Long Biên ngày nay. Thường khi xe vua đi từ hoàng thành ra đây, bá quan đưa đón, dâng trầu cau và trà, nên dân gian quen gọi là điện Hô Trà (Gọi Chè).[76]

Cũng sau lần gặp Thiền sư Đạo Viên ở Yên Tử năm 1236, Trần Thái Tông bắt đầu chuyên tâm tu tập theo Thiền tông Phật giáo. Mặc dù bận việc coi chính sự và học Khổng giáo, ông vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, áp dụng các triết lý trong kinh điển Đại thừa cùng những giáo huấn của Tổ sư Thiền. Nhà vua tu học với sự hỗ trợ của các thiền sư như Đạo Viên ở Yên Tử, Ứng Thuận, Tức Lực và Đại Đăng ở Thăng Long, cùng các vị tăng người Tống là Đức Thành, Thiên Phong.[41] Theo cuốn Thánh đăng ngữ lục (một tác phẩm khuyết danh về việc tu học Thiền tông của 5 vua đầu thời Trần, được viết vào khoảng thế kỷ XIV), Thái Tông đọc kinh Kim Cương đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" thì ngộ đạo.[77] Sau đó, khoảng năm 1247-1252, ông viết sách Thiền tông chỉ nam ca (Bài ca về yếu chỉ của Thiền tông) để truyền bá cho hậu sinh về kinh nghiệm giác ngộ của mình. Thiền sư Đạo Viên khi đọc được tác phẩm này đã nhận xét: "Tâm của chư Phật ở cả trong này", và khuyến khích nhà vua lưu hành rộng rãi trong nước.[41][74] Ngoài ra, Thái Tông còn dựng chùa Tư Phúc trong nội đô Thăng Long, để trao đổi thêm kiến thức với các cao tăng, đồng thời giảng dạy Thiền học cho lớp hậu sinh. Thánh đăng ngữ lục kể rằng "hằng ngày vua cúng trai tăng cho hơn 500 vị, độ làm đệ tử hơn 30 người".[77]

Kháng chiến chống Mông Cổ

Trong khi Đại Việt hưng thịnh dưới triều Trần, ở phương Bắc, Nhà Tống phải rút xuống phía nam trước sự xâm lấn từ nước Kim của người Nữ Chân. Phía tây bị nước Tây Hạ chia cắt. Tới đầu thế kỷ XIII, người Mông Cổ ở phía bắc nước Kim thống nhất dưới quyền Thành Cát Tư Hãn, trở nên lớn mạnh. Mông Cổ đánh xuống phía nam, tiêu diệt Tây Hạ (1227) và Kim (1234). Mặc dù đã mở rộng bờ cõi bao la sang phía tây, diệt nhiều nước Tây Á và đánh sang châu Âu, người Mông Cổ tiếp tục tiến xuống phía nam để tiêu diệt Nam Tống. Trước thế tấn công của Mông Cổ, tháng 2 âm lịch năm 1257, thổ quan châu Tư Minh của Tống là Hoàng Bính đem gia quyến sang nội thuộc Đại Việt. Trần Thái Tông nhận, lấy con gái Bính là Huệ Túc Phu nhân.[20]

Năm 1253, quân Mông Cổ do Thái soái Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai) chỉ huy chinh phục nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay). Sau đó, năm 1257, khắc hãn Mông Cổ là Mông Kha lên kế hoạch sai Uriyangqatai đem quân từ Đại Lý xuống chiếm Đại Việt, hòng tạo thế "gọng kìm" đánh quặt lên các châu Ung (nay là Nam Ninh, Quảng Tây) và Quế (nay là Quế Lâm, Quảng Tây) của Tống.[78][79] Uriyangqatai đã 3 lần gửi sứ sang đòi Đại Việt thần phục nhưng vua Thái Tông không những từ chối mà còn bắt các sứ giả giam vào ngục. Thái Tông cũng khẩn trương chuẩn bị kháng chiến. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tháng 9 âm lịch năm 1257, ông sai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn huy động quân thủy bộ trấn thủ biên giới, sau đó, tháng 11 âm lịch năm 1257, ông kêu gọi quân dân cả nước sửa soạn khí giới. Các vương hầu, tôn thất cũng chiêu mộ gia nô, dân binh, thổ binh… làm lực lượng cần vương, phối hợp chiến đấu với quân chính quy của triều đình.[20][80][79]

Tháng 12 âm lịch năm 1257, Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai) dẫn gần 3 vạn quân tiến vào Đại Việt.[79] Ngày 12 tháng 12 âm lịch năm 1257 (tức ngày 17 tháng 1 năm 1258) quân Mông Cổ đến Bình Lệ Nguyên (nay là huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc), Trần Thái Tông thân đem sáu quân đi đánh. Sử cũ ghi nhận nhà vua và tướng Lê Phụ Trần đã chiến đấu rất cam đảm, nhưng không thể đánh bại quân Mông Cổ. Khi quan quân thất thế, có người khuyên Thái Tông ở lại tử thủ nhưng Lê Phụ Trần kiên quyết ngăn cản.[20] Thái Tông thu quân đến bến Lãnh Mỹ, sau đó xuống thuyền đi về Phù Lỗ. Uriyanqatai sai Cacakdu tiến quân nhanh ra bến, hòng cướp thuyền, bắt sống vua quan Nhà Trần, nhưng không thành công.[79][78][81] Cương mục chép: "Nhà vua... lui quân đóng ở sông..., Phụ Trần đi sau cùng để vén quân. Lúc ấy quân Mông Cổ đuổi gấp, bắn tứ tung, Phụ Trần lấy cái sạp thuyền che đỡ cho nhà vua được thoát nạn".[78][82] Thất bại trong việc đuổi bắt bộ chỉ huy Nhà Trần và kết thúc sớm chiến tranh đã khiến cho Cacakdu bị Uriyanqatai trách phạt dữ dội, và phải uống thuốc độc tự tử.[79][79]

Sang ngày hôm sau, ngày 18 tháng 1 năm 1258, vua Trần Thái Tông dàn quân chặn địch bên sông Cà Lồ ở Phù Lỗ. Quân Mông Cổ vượt sang sông Cà Lồ và đánh bại quân Đại Việt. Vua Trần lại chủ động rút quân về phía Thăng Long. Uriyangqatai tung quân truy kích tới bến Đông Bộ Đầu (nay là phố Hòe Nhai, Hàng Than, Hà Nội) trên hướng đông Thăng Long. Để thoát khỏi tình thế nguy ngập, bộ chỉ huy Đại Việt quyết định di tản lực lượng khỏi kinh đô, và lui về sông Thiên Mạc (nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).[79] Tại đây vua Thái Tông đã thảo luận với Lê Phụ Trần những vấn đề cơ mật, hầu như không người nào được nghe. Nhà vua cũng đi thuyền nhỏ tới thuyền của Trần Nhật Hiệu (chỉ huy quân Tinh Cương) để xin ý kiến về kế sách giữ nước. Nhật Hiệu đưa ngón tay xuống chấm nước rồi ghi hai chữ "nhập Tống" (tức là nên trốn sang nước Tống) trên mạn thuyền. Thái Tông lại hỏi về tình hình quân Tinh Cương thì Nhật Hiệu chỉ đáp: "Không gọi được chúng đến". Sau đó Thái Tông tìm đến tham vấn Thái sư Trần Thủ Độ, và được thái sư khích lệ:

Đầu thần chưa rơi xuống đất, Bệ hạ đừng lo gì khác.

— Trần Thủ Độ[20][79]

Quân Mông Cổ chiếm được kinh thành Thăng Long, song gặp nhiều khó khăn do thiếu lương thực trầm trọng. Mông Cổ phải chia quân đi cướp bóc ở vùng ngoại vi và phụ cận, nhưng bị dân chúng chặn đánh quyết liệt.[79] Quân Mông Cổ chịu tổn thất nặng nề.[83] Trong khi đó, quân chủ lực Đại Việt đã được chỉnh đốn và hồi sức sau những thất bại đầu tiên. Ngày 28 tháng 1 năm 1258, vua Trần Thái Tông cùng Thái tử Trần Hoảng thúc quân phản kích vào bến Đông Bộ Đầu, đánh tan quân Mông Cổ. Uriyangqatai phải rút quân khỏi Thăng Long và tháo chạy về Vân Nam. Trên đường chạy, quân Mông Cổ lại bị một thổ quan người TàyHà Bổng tập kích, đánh tan tại Quy Hóa (vùng Lào Cai, Yên Bái).[20][79] Quân Mông Cổ rút lui, không hề cướp phá, nên dân Việt gọi là "giặc Phật". Uriyangqatai kéo quân về thành Áp Xích (Đại Lý), phải tìm đường khác đánh đất Tống.[79][84] Ngày mùng một Tết năm 1258, Trần Thái Tông tổ chức định công, phạt tội cho quan tướng tại Thăng Long. Lê Phụ Trần lãnh chức Nhập nội phán thủ, tước Bảo Văn hầu và được gả vợ cũ vua là Chiêu Thánh; Trần Khánh Dư được ban chức Thiên tử nghĩa nam; Hà Bổng cũng thụ phong tước hầu.[20][79][78]

Bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng kể chuyện Trần Thái Tông tha tội cho Hoàng Cự Đà, viên tiểu hiệu có hành vi bất trung trong cuộc chiến chống Mông Cổ:[5]

Trước kia có lần vua ban xoài cho những người hầu cận, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng giang gặp Hoàng thái tử đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn:- Quân Nguyên ở đâu?Cự Đà trả lời:- Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy!Đến đây, Thái tử xin khép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói:- Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội.

Bang giao sau cuộc chiến

Sau thất bại của cuộc tấn công Đại Việt năm 1258, đế quốc Mông Cổ vẫn không bỏ ý định thôn tính phương Nam. Lúc này Mông Cổ đang phải tập trung lực lượng đánh Nam Tống, nên họ chưa thể phát binh đánh Đại Việt lần hai, và tạm sử dụng biện pháp ngoại giao để thuyết phục vua Trần thần phục. Theo các sách Kinh thế đại điển tự lục và Nguyên sử, ngay sau khi lui quân về Vân Nam, Thái soái Mông Cổ Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai) đã gửi 2 sứ giả sang dụ vua Trần tới chầu. Trần Thái Tông trói hai sứ giả và trục về nước. Đồng thời ông vẫn duy trì quan hệ hữu hảo với Nam Tống.[85][79][86] Nhưng một thời gian sau, thấy Mông Cổ còn rất mạnh và tiếp tục lấn vào đất Tống, triều đình Thái Tông nhận định Nam Tống không còn khả năng ảnh hưởng tới Đại Việt và chính Mông Cổ mới là mối đe dọa lớn nhất. Nhà vua bèn thay đổi phương sách ngoại giao; mùa xuân năm 1258, ông cử một phái bộ gồm Lê Phụ Trần làm Chánh sứ, Chu Bác Lãm làm Phó sứ sang thông hiếu với Mông Cổ. Sứ bộ này lấy danh nghĩa sang dâng cống vật cho Uriyanqatai tại Vân Nam; nhưng thực chất là đi thăm dò thực lực cũng như các động thái của Mông Cổ.[79][86][85]

Sau khi sứ bộ của Lê Phụ Trần về nước, hãn Mông Cổ sai Nur-ud-Dīn đi sứ sang Đại Việt, đem theo bức thư đòi Thái Tông đích thân đến chầu. Trong thư có đoạn: "Trước đây ta sai sứ sang thông hiếu, các ngươi bắt giữ không cho về, vì thế ta mới có cuộc xuất quân năm trước, khiến quốc chủ ngươi phải chạy ra nơi thảo dã. Lại lệnh hai sứ đến chiêu an, trả nước, ngươi lại bắt trói sứ ta rồi đuổi về. Nay đặc sai sứ đến dụ, nếu bọn ngươi có lòng thề nội phụ thì quốc chủ phải đích thân đến, nhược bằng không sửa lỗi, hãy báo cho ta rõ". Thái Tông không chấp thuận, chỉ trả lời bằng lời lẽ tế nhị: "Tiểu quốc thành tâm thờ bề trên, vậy đại quốc đối đãi thế nào?". Chuyến đi sứ của Nur-ud-Dīn hoàn toàn thất bại; nhưng sau đó, Mông Kha lại sai Nur-ud-Dīn sang Đại Việt với mục đích tương tự lần trước. Vua Trần vẫn không nhượng bộ, nhưng cũng trấn an sứ giả rằng "Đợi đức âm ban xuống sẽ lập tức sai con em sang làm con tin". Trên thực tế, việc này không bao giờ được thực hiện. Cuộc đấu tranh ngoại giao giữa hai nước tiếp tục diễn ra quyết liệt cho đến thời Trần Nhân Tông, khi Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ hai (1285).[79][85]

Đánh giá về tầm vóc của cuộc thắng lợi năm 1258 của Trần Thái Tông và quân dân Đại Việt, các tác giả phương Tây Peter D. Sharrock và Vũ Hồng Liên (người Anh gốc Việt) viết:[59]

Các bộ sử Việt ca ngợi các sự kiện năm 1258 là một đại thắng, nhưng Nguyên sửAn Nam chí lược cho là người Mông Cổ đã thắng, vì họ đã chiếm được Thăng Long. Cuối năm đó, Đại hãn Mông Kha gửi một lá thư cho vua Trần, có nói đến việc ông ta [vua Trần] đuổi hai sứ Mông Cổ, và yêu cầu triều đình Trần thần phục. Điều đó có nghĩa là Nhà Trần đã không thần phục từ trước. Điều đó cũng có nghĩa là thanh danh bất khả chiến bại của người Mông Cổ đã bị tan vỡ tại thời điểm này. Nguyên sử, An Nam chí lược và các bộ sử biên niên Việt chỉ viết sơ sài về cuộc chiến năm 1258, nhưng thật ra đây là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới, vì đây là bước lùi đầu tiên của quân Mông Cổ tại châu Á và trong chiến dịch chinh phục thế giới của họ. Nó được nối tiếp bằng thất bại được biết đến nhiều hơn của họ trong tay người Mamluk tại Ain Jalut tháng 9 năm 1260.

— Petrer Sharrock & Vũ Hồng liên

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trần_Thái_Tông http://www.britannica.com/EBchecked/topic/602237 http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb12917756f http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb12917756f http://www.idref.fr/050637681 http://id.loc.gov/authorities/names/n84077885 http://d-nb.info/gnd/104238372 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000063074526 http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-k... http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-o... http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac...